Hướng dẫn Học sinh ôn thi Trung học Phổ thông Quốc gia đạt hiệu quả

Spread the love

HƯỚNG DẪN HỌC SINH KHỐI 12 ÔN THI THPTQG HIỆU QUẢ

Trong cuộc sống vạn vật luôn vận động và phát triển không ngừng, xã hội loài người cũng phát triển ngày càng mạnh mẽ, sự phát triển này được thể hiện rất rõ ràng trong thời đại ngày nay khi con người đang bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 với khoa học tiên tiến phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi hàng ngày cuộc sống của chúng ta. Vì vậy việc học tập suốt đời, tức là việc học không có giới hạn nào về thời gian và kiến thức, là vấn đề được toàn xã hội quan tâm ngày càng nhiều hơn, bởi một lẽ đơn giản là “Nếu không “học tập suốt đời” sẽ bị lạc hậu, không còn đáp ứng được với xã hội ngày càng tiến bộ và luôn đổi mới. Việc học tập suốt đời giúp cho mỗi cá nhân đạt được kiến thức, kỹ năng để có thể hòa nhập với những thay đổi nhanh chóng của hoàn cảnh xã hội, sự biến đổi của khoa học công nghệ.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như nêu trên, để hưởng ứng Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2018 với thông thông điệp “Học tập suốt đời – Chìa khóa của mọi thành công”; đồng thời nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh trong trường PTDTNT tỉnh Quảng Ninh đặc biệt là đối với các em học sinh khối 12, đang chuẩn bị bước các kiến thức cần thiết cho kỳ thi THPTQG năm 2019, đồng thời nó cũng là chiếc chìa khóa mở tiếp cánh cửa tương lai cho những bạn học sinh có nguyện vọng học các bậc học cao hơn; với kinh nghiệm giảng dạy và nhiều năm ôn thi cho học sinh, chúng tôi đúc kết một số biện pháp học tập được cho là phương pháp ôn thi hiệu quả trong việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, cụ thể là:

I. Biện pháp chung cho tất cả các môn

  1. Lập kế hoạch cụ thể và chi tiết cho việc ôn tập: 

Làm việc gì mà lập kế hoạch trước thật kỹ cũng đều tốt, đối với việc ôn thi cũng vậy, việc ôn luyện không có kế hoạch và lộ trình cụ thể thì sẽ luôn trong tình trạng gấp rút. Một số gợi ý cho việc lập kế hoạch ôn thi là:

– Liệt kê tất cả những nội dung mà mình cần phải ôn tập, những công việc mình cần phải làm phục vụ cho việc ôn tập, nội dung càng chi tiết càng tốt, ví dụ như môn A có bao nhiêu nội dung cần phải ôn trong thời gian tới, mỗi nội dung đó có bao nhiêu chương? Bao nhiêu bài …, tương tư cho môn khác.

– Xác định thời gian mình sẽ làm những nội dung đã được liệt kê đó: Khi nào bắt đầu làm? Khi nào kết thúc? Ví dụ như đặt lịch cho một ngày mình làm những gì? Ôn những môn nào? …

– Xác định các yêu cầu cần đạt được cho mỗi nội dung ở đây học sinh cần xác định được năng lực và mục tiêu của mình để có kế hoạch học tập phù hợp.

Nhiều học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch vì có thể các em chưa có kinh nghiệm về việc này, vậy các em nên đề nghị thày cô hoặc những bạn bè của mình giúp đỡ. Các em nên rà soát và hệ thống lại các phần kiến thức đã ôn luyện được, kết hợp với việc ôn thi học kỳ 2 để kiểm soát lại các kiến thức đã học. Việc đặt mục tiêu và ôn luyện cho bài thi học kỳ 2 cũng là một lần tổng duyệt cho những phần kiến thức đã ôn được.

  1. Học tích hợp giữa sách, học trực tiếp và trực tuyến:

Đây là một phương pháp học tập hiệu quả trong thời đại internet hiện nay:

– Cách ôn luyện kết hợp sách và tương tác trực tiếp trên mạng internet giúp tiết kiệm thời gian, công sức nhưng lại có hiệu quả tốt.

– Có rất nhiều kênh trực tuyến cung cấp bài giảng, hướng dẫn luyện đề bổ ích cho học sinh. Ở đó các em có thể tìm được thông tin giá trị như tài liệu có lời giải chi tiết, đề thi thử, hay cả những bài giảng đầy đủ, chi tiết theo nhu cầu của từng bạn.

– Nên thực hiện các bài thi thử trên mạng, hiện tại có khá nhiều hệ thống thi thử.

– Tuy nhiên học sinh cần chú ý, khi sử dụng Internet không nên xao nhãng, tán gẫu với bạn bè mà quên đi việc chính là học tập.

  1. Kinh nghiệm làm bài thi và làm bài thi trắc nghiệm

Kiến thức trong các bài thi trắc nghiệm có tính chất trải rộng và nằm trong sách giáo khoa, vì vậy các em nên nắm vững những kiến thức căn bản trong chương trình sách giáo khoa, không nên học tủ, học lệch, khi làm bài thi nên áp dụng hiệu quả phương pháp loại trừ và chú ý phân bổ thời gian làm bài hợp lý.

  1. Hệ thống hóa kiến thức đã học

Thời điểm trước khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia một tháng các học sinh nên dành thời gian nhìn lại toàn bộ kiến thức mình đã có với việc trả lời các câu hỏi sau: mình đã học được những gì? đã nắm thật vững kiến thức cơ bản chưa? đã biết kết nối, suy luận từng mảng kiến thức khác nhau hay chưa?

– Việc hệ thống các kiến thức của từng môn theo một trật tự nhất định tức là tạo ra mối liên kết giữa các kiến thức trong cùng một môn, qua đó sẽ giúp cho các em dễ học và dễ nhớ hơn.

5. Chuẩn bị tinh thần và sức khỏe thật tốt trước khi bước vào kì thi

Trong kế hoạch ôn thi các em cần chú ý dành thời gian hợp lý cho việc nghỉ ngơi hay giải trí, phân chia thời gian sao cho việc học được thực hiện một cách đều đặn và vừa sức, không nên học quá sức; nên xem xét giảm cường độ học vào thời gian gần ngày thi để tạo tâm lý thoải mái, không tự gây áp lực cho mình.

II. Giải pháp cụ thể cho từng môn

  1. Đối với môn Toán

a. Một số lưu ý trong quá trình ôn luyện môn Toán như

  • Phân bố thời gian và kế hoạch học tập hợp lý
  • Học kỹ từng dạng bài cũng như các kiến thức cơ bản
  • Không nên bỏ quan kiến thức lớp 10, 11
  • Luyện giải đề thi với các dạng bài từ cơ bản đến nâng cao.

b. Biết cách giải toán trên máy tính Casio

Hiện nay, bài thi Toán được thực hiện dưới hình thức trắc nghiệm, việc sử dụng thành thạo máy tính Casio sẽ giúp tiết kiệm thời gian làm bài thi rất nhiều.

c. Học các công thức qua việc nhớ mẹo

Toán học và một số môn khoa học tự nhiên khác, có rất nhiều những công thức, việc thuộc làu làu các công thức trong thời gian ngắn là không dễ dàng với nhiều người, hãy nhớ các công thức theo mẹo nhớ nhanh. Qua đó giúp các em dễ nhớ và tiết kiệm thời gian hơn.

  1. Đối với môn Ngữ văn

Học theo chuyên đề tương ứng với cấu trúc đề thi: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội, Nghị luận văn học;

Nắm chắc kiến thức của các phần và có phương pháp học tập hiệu quả cho từng phần. Ví dụ như:

– Phần Đọc hiểu: HS cần nắm được kiến thức về phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp tu từ…Muốn vậy, cần tích cực luyện đề đọc hiểu để quen dần với các dạng câu hỏi và phương pháp trả lời.

– Phần Nghị luận xã hội: HS cần nắm được các viết 1 đoạn văn nghị luận về tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống. Ngoài việc nắm được công thức làm bài, cần phải tích cực cập nhật những thông tin thời sự hàng ngày, những tấm gương điển hình đại diện cho lòng vị tha, sự trung thực, hay sự lạc quan….

– Phần Nghị luận văn học: HS cần nắm được những kiến thức cơ bản về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm trong chương trình ngữ văn 11,12. Nắm được cách triển  khai các dạng đề.

  1. Môn Ngoại ngữ

Nắm vững bài học trong sách giáo khoa, mở rộng vốn từ vựng, không tập trung vào duy nhất một phần kiến thức

Theo đề thi THPTQG của BGD&ĐT năm 2018, các em có thể thấy câu hỏi của đề thi năm nay có mức độ phân hóa mạnh hơn năm trước. Số câu hỏi khó chiếm nhiều hơn. Những câu này thường rơi vào trường hợp ngoại lệ, nằm ngoài quy tắc chung của một vùng kiến thức hay một dạng bài. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học từ vựng, trong đó có việc học từ những bài đọc hiểu.“Học từ vựng là quá trình dài và không có điểm dừng”, khuyên các em nên học từ vựng 30 phút vào buổi sáng khi mới thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Trong quá trình ôn tập, lưu ý học sinh nên học và ôn luyện từ vựng theo hướng đa dạng hóa, không nên tập trung vào một dạng bài hay một phần kiến thức. Nếu các em không chăm học từ vựng về cụm động từ thì chắc chắn sẽ không giành được điểm cao.

Giải đáp thắc mắc về kỹ năng làm bài đọc hiểu, từ vựng vẫn là yếu tố quan trọng nhất thay vì các kỹ năng làm bài nhanh vì “không có từ vựng thì nhìn bài đọc hiểu như nhìn vào bức tường”. Học sinh nên làm 4 bài đọc hiểu mỗi ngày, học kỹ các bài trong SGK và làm đề thi thử để mở rộng vốn từ.

Khi làm bài đọc hiểu ở nhà, trước hết phải coi đó như bài thi thực sự để rèn luyện tinh thần, khả năng phán đoán và chỉ được dùng từ điển để dịch bài khi đã kiểm tra kết quả. “Dịch lại tất cả bài đã làm sẽ giúp các em nắm được ý tưởng, nhớ từ vựng mà không cần ép mình phải thuộc lòng”.

Phần ngữ pháp cũng đóng vai trò hết sức quan trọng mà bạn không thể bỏ qua.  Hãy hệ thống các kiến thức ngữ pháp theo từng chuyên đề nhỏ để dễ học và dễ nhớ. Bên cạnh đó, làm bài tập thật nhiều sẽ giúp bạn “thấm” ngữ pháp vào đầu, hoàn toàn tự tin trong phòng thi.

  1. Các bài thi Lý- Hóa- Sinh thuộc Tổ hợp Khoa học tự nhiên

Không được coi thường lí thuyết:

Khi đi thi, lí thuyết sẽ quyết định điểm số của em cao hay thấp. Rất nhiều bạn học khá, vì lúc ôn tập chỉ chú trọng các phương pháp giải toán cao siêu nhưng khi đi thi lại mất điểm ở những câu lí thuyết.

=> Càng về thời gian cuối của đợt ôn thi, học sinh càng cần tập trung thời gian để hệ thống hóa lại kiến thức lí thuyết, làm thật nhiều đề thi lí thuyết, nghiên cứu kĩ đề thi thi minh họa, thử nghiệm, tham khảo để quen với các dạng lí thuyết có thể xuất hiện trong đề thi.

Vì đề thi sẽ tập trung nhiều vào chương trình học lớp 12 nên nhiều bạn có suy nghĩ sai lầm là loại bỏ tất cả kiến thức lớp 10, 11.Tuy nhiên, chẳng hạn đối với môn Hóa học, kiến thức Hóa học có tính hệ thống rất cao, trong đề thi có rất nhiều câu hỏi nếu không vận dụng dụng kiến thức lớp 10, 11 thì các em sẽ không thể làm được”.

– Dựa vào đề thi thử của Bộ GD&ĐT, có thể thấy đề thi năm nay có tính phân loại học sinh rất cao. 25 câu trong đề thi nằm ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 15 câu còn lại là dạng bài có mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Như vậy đã có đến 40% đề thi quyết định việc các em vào được các trường Đại học hoặc Cao đẳng loại tốt, 60% còn lại dành cho các em chỉ với mục đích tốt nghiệp THPT.

+ Với những em chọn để xét tốt nghiệp, các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản của cả lớp 11 và 12. Các em cần dành thời gian ôn luyện thật kỹ lý thuyết và giải những bài tập có trong sách giáo khoa.

+ Nếu đặt mục tiêu cao hơn 6 điểm, em cần lưu tâm nhiều hơn đến phần vận dụng và vận dụng cao của khối kiến thức lớp 12. (VD: Môn Vật lý, các câu vận dụng cao phân bố chủ yếu ở chuyên đề Cơ, Sóng và Điện).

 Đối với môn Sinh:

Với phần lý thuyết

– Nhìn chung các năm gần đây kiến thức cho rất sát chương trình. Nhưng điều đó không có nghĩa là học thuộc lòng thì sẽ làm được. Để làm được buộc học sinh phải hiểu, nhớ.

– Để hiểu và nhớ kiến thức SGK, HS phải khái quát – tổng kết, hệ thống hóa được các kiến thức của mình và không thấy mông lung, rối lên vì nhiều kiến thức.

Với phần bài tập

– Bài tập cơ sở vật chất di truyền và biến dị: những bài tập này thuộc khoa học chính xác như toán, hóa, lý. Do đó, học sinh phải nắm được công thức mới giải được.

– Bài tập qui luật di truyền (bài tập lai) thuộc khoa học thực nghiệm: Học sinh sử dụng lí thuyết đã học để giải thích kết quả một thí nghiệm theo đề bài (biện luận và viết sơ đồ lai). Để biện luận 1 bài tập lai ta tiến hành theo 5 bước:

+ Xác định tính trội, tính lặn

+ Quy ước gen

+ Xác định quy luật di truyền

+ Xác định kiểu gen bố mẹ

+ Viết sơ đồ lai (nếu có hoán vị gen ta tính tần số hoán vị trước khi viết sơ đồ lai).

Sau khi làm xong ta kiểm tra kiểu hình qua sơ đồ lai đúng với đề bài tập thì ta đã biện luận chính xác.

Ngoài những nội dung đã nêu trên, cách thức ôn thi trong giai đoạn này của các em phải được xây dựng trên cơ sở cấu trúc đề thi. Các em cần tuân thủ theo nguyên tắc ôn thi sau:

Tập trung vào nội dung dễ

Đối với tổ hợp môn thi, môn yếu nhất cần được đặt ưu tiên hàng đầu. Trong mỗi môn học, phần dễ và phần căn bản cần ôn luyện nhuần nhuyễn. Tuyệt đối không sa đà vào những dạng toán lạ, phức tạp, khó, trừ những bạn thực sự giỏi.

Nâng cao kỹ năng tính toán

Kỹ năng xử lý câu hỏi là rất quan trọng, bao gồm nhận diện, xử lý và tính toán.Do mỗi môn thi chỉ giới hạn thời gian 50 phút nên kỹ năng xử lý câu hỏi là yếu tố sống còn.

Tại thời điểm này thời gian không còn nhiều, vì vậy các em nên tập trung hoàn thiện kỹ năng tính toán.

  1. Các bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội: Tránh thuộc lòng

Môn Lịch sử:Khi ôn tập, việc hệ thống hóa kiến thức là điều vô cùng quan trọng. Do môn lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm nên kiến thức sẽ dàn trải mà không tập trung vào trọng tâm nào. Lưu ý các mệnh đề dẫn.

Việc hệ thống hóa kiến thức có thể thực hiện theo các cách: Tóm tắt bảng – tức là sau mỗi chương, học sinh nên thực hiện một bảng tóm tắt; so sánh điểm giống nhau và khác nhau giữa những thuộc tính lịch sử. Nếu không dùng bảng thì dùng sơ đồ tư duy – tức là nắm được sự kiện trong những giai đoạn lịch sử, ý nghĩa của các sự kiện đó.

Lưu ý: sau mỗi giai đoạn lịch sử, HS phải vẽ sơ đồ bởi mỗi câu trong bài thi có thể sẽ được sắp xếp theo giai đoạn thời gian diễn ra sự kiện. Ngoài ra, HS cũng cần lưu ý những mệnh đề phản, như: “Chiến dịch nào không phải là…”.Vì thế, HS phải đọc kỹ yếu tố đường dẫn của câu trắc nghiệm.

Đối với kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, lưu ý HS phải phân bố thời gian hợp lý. Phần lịch sử thế giới chỉ chiếm khoảng 4 điểm nên nếu khó quá thì HS nên chuyển qua các câu hỏi về lịch sử Việt Nam.Điều cần thiết nhất là kỹ năng tổng hợp và ghi nhớ, tránh học thuộc lòng.

Môn Địa lý: Không được học tủ

Đặc điểm của đề thi trắc nghiệm trải dài toàn chương trình nên HS không được học tủ.
Sau mỗi bài học, HS nên trả lời những câu hỏi nhỏ, lưu ý các chi tiết chính yếu. (Ví dụ: Vùng núi Đông Bắc có hướng gì? Hai quần đảo xa bờ của nước ta là…? Lập sơ đồ tư duy cho từng bài, từng chương với những nét chính yếu trước. Quan tâm những mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý, như khí hậu có ảnh hưởng gì đến địa hình, sông ngòi, sinh vật; vị trí có thuận lợi gì trong việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng…? Học đều từng phần, tránh việc học dồn vừa mệt vừa dài lại khó có hiệu quả.

Cách làm bài: Nắm vững kỹ năng đọc Atlat. Vì mỗi câu chỉ có 1 phút 15 giây nên nếu làm câu Atlat (có thể 4-8 câu) mà không quen đọc, các em có thể mất nhiều thì giờ mà vẫn đọc sai. Các câu Atlat làm sau cùng và làm cùng lúc để khỏi phải mở, đóng Atlat nhiều lần, mất thì giờ. Trước hết, HS cần thuộc trang 3 cuốn Atlat (các ký hiệu chung) để đỡ mất thì giờ tra lại. Môn địa lý có các tính toán về số liệu nên các em cần nhớ công thức và mang theo máy tính. HS cũng cần lưu ý đọc kỹ đề, kỹ năng nhận xét biểu đồ, bảng số liệu…

Giáo dục công dân:

Lồng thực tế vào; Đối với môn giáo dục công dân, HS nên:

+Tránh kiểu học đọc – chép. Ngoài nắm vững kiến thức trong sách, ôn kỹ từng bài (chỉ trừ những phần giảm tải), HS cần phải biết liên hệ với các tình huống thực tế.

+ Cần học từng bài, nắm chắc nội dung bài đó, ghi chép cẩn thận những ý chính, những nội dung GV nhấn mạnh, lưu ý. Các em cũng có thể đặt những câu hỏi với GV về các vấn đề mình chưa nắm chắc ngay trong giờ học để được giải đáp. Đồng thời, HS nên cập nhật kiến thức thực tế vào bài học và kết hợp kiến thức của môn sử, địa vào bài thi.

+ Tuyệt đối không nên học thuộc lòng. Các em nên bám sát chương trình lớp 12, 11, 10,  đi vào trọng tâm của từng bài học để nắm bản chất của mỗi bài. HS cũng nên lưu ý các câu hỏi liên quan đến việc sử dụng kiến thức được học để giải những tình huống trong thực tế, như: phát hiện một cơ sở chế biến thực phẩm bẩn thì dùng quyền gì để tố cáo…

Hy vọng với những gợi ý trên đây của các thầy cô sẽ giúp cho các em có định hướng tốt hơn để ôn thi sao cho hiệu quả nhất.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*