CÔNG TÁC GIÁO DỤC DÂN TỘC TRONG TRƯỜNG PTDT NỘI TRÚ TỈNH QUẢNG NINH

Spread the love

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú độc đáo và góp phần hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm lý trí, sức mạnh của dân tộc tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam.

Nhân loại đã từng chứng kiến rất nhiều nền văn hóa sáng rực lên rồi tắt đi theo lịch sử dòng chảy của thời gian, cũng từng chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa truyền thống được bổ sung, được nâng lên tầm cao mới và cũng đã nuối tiếc nhiều nền văn hóa mất đi trong quá trình hội nhập và giao lưu.

Nhiều nhà nghiên cứu và bạn bè trên thế giới rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ dân tộc Việt Nam, sau hơn 1000 năm bắc thuộc, 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, hơn 20 năm kháng chiến chống Mĩ; nhưng bản sắc văn hóa các Dân tộc Việt Nam vẫn được giữ gìn và phát triển bền vững, không bị mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp, bởi vì mỗi người dân Việt Nam chúng ta luôn sống và hướng về cội nguồn, về quê cha, đất tổ.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt nam được hình thành, phát triển gắn liền  với lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bản sắc đó thể hiện ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực được bao thế hệ vun đắp, hun đúc tạo nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tồn tại, không ngừng lớn mạnh và phát triển bền vững. Nó là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, là nguồn sức mạnh vô địch đảm bảo cho dân tộc Việt Nam trường tồn, phát triển trong mọi thời đại.

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã kế thừa và phát huy cao độ bản sắc văn hóa dân tộc, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thấm nhuần lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, biết khác phục mọi khó khăn, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Ngày nay sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa diễn ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng với những biến động phức tạp khó lường đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi thế hệ thanh niên hiện nay cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức chuyên môn nghề nghiệp vững chắc, đồng thời phải có sự am hiểu tinh thông về văn hóa, tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam ngay trong quá trình học tập và công tác của mỗi cá nhân.

Trường PT Dân Tộc Nội Trú tỉnh Quảng Ninh là một cái nôi đào tạo con em đồng bào dân tộc ít người tỉnh Quảng Ninh, có nhiệm vụ duy trì bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và là một trong những biểu tượng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các đồng bào dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Từ ngày thành lập trường PT Dân Tộc Nội Trú tỉnh Quảng Ninh đã có từ 8 đến 11 dân tộc anh em trong tỉnh theo học. Năm học 2017 – 2018 trường có 8 dân tộc với số lượng phân bố khác nhau: đông nhất là đồng bào dân tộc Dao (Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán) có: 148 em; dân tộc Tày: 67 em; Sán chỉ: 36 em; Sán dìu: 31 em; dân tộc Nùng: 1 em, Cao Lan: 3 em, Hoa: 1 em và dân tộc Kinh có: 7 em. Phân bố HS theo các huyện thị cũng rất không đồng đều: Hoành Bồ: 60 HS; Bình Liêu: 57 HS; Ba Chẽ: 52 HS…. nhưng cũng có một số huyện thị rất ít HS theo học tại trường như: Uông Bí: 2HS, Đông Triều: 6 HS.

Trường PTDTNT tỉnh Quảng Ninh là một ngôi nhà chung, ở đó đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên giống như những người thân và giữa các em HS rât cần có sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương và thấu hiểu, chia sẻ như anh em một nhà. Do đó công tác giáo dục dân tộc nói chung và công tác tìm hiểu, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc nói riêng, được ban lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm, triển khai sâu rộng gắn với nhiều hoạt động diễn ra trong năm học, tập trung cụ thể vào những nội dung sau:

          – Tăng cường các hoạt động giáo dục đặc thù trong phạm vi nhà trường gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho học sinh. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh về đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho học sinh.

          – Tích cực tổ chức các hoạt động tìm hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; Nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, truyền tải kiến thức địa phương cho HS trong quá trình giáo dục và đào tạo.

         – Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp – dạy nghề phổ thông; giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh ngay trong quá trình đào tạo;

            – Tổ chức hiệu quả công tác lao động sản xuất tự phục vụ và cải thiện cuộc sống nội trú (lao động vệ sinh trường lớp, khu nội trú, nhà ăn, khu vệ sinh, trồng cây và chăm sóc cây, trồng rau xanh, nuôi lợn..); tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt ngoại khóa, thăm quan học tập…..; các hoạt động văn nghệ, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và đảm bảo tốt các mục tiêu về giáo dục toàn diện cho học sinh.

        – Tổ chức tốt đời sống nội trú cho HSDT (bao gồm tất cả các khâu từ ăn, ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, tổ chức tự học, đảm bảo ANTT, an toàn trường học…) tạo cho học sinh có một môi trường sống và học tập lành mạnh, an toàn, yên tâm học tập rèn luyện; đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách cho HSDT trong quá trình học tập .

         – Duy trì bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc bằng nhiều hình thức khác nhau, như tổ chức ngoại khóa , Văn nghệ, trò chơi , ngày hội văn hóa các dân tộc….(có SD ngôn ngữ tiếng dân tộc); Tổ chức cho CBGV, CNV học tiếng dân tộc, thăm quan thực tế gia đình học sinh …..nhằm nâng cao sự hiểu biết của đội ngũ CBGV,CNV về bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, đồng thời bồi dưỡng lòng yêu nghề, mến trẻ, sự cảm thông với hoàn cảnh còn khó khăn về nhiều mặt của gia đình HS.

Công tác giáo dục dân tộc là một mảng công tác lớn, mang tính đặc thù, riêng có ở trường PTDTNT; Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đào tạo HS của nhà trường, nó góp phần không nhỏ trong việc định hướng sản phẩm đầu ra của nhà trường;

Làm tốt công tác giáo dục dân tộc trong quá trình đào tạo sẽ giúp nhà trường thực hiện tốt mục tiêu tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho các huyện thị miền núi vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh Quảng Ninh. Đó sẽ là những cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức phổ thông vững chắc, đủ khả năng tiếp cận những cái mới, cái hiện đại của đời sống xã hội, nhưng cũng rất am hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, giữ được cho mình những nét đẹp trong phong thái, cốt cách, phẩm chất chịu thương, chịu khó, yêu thương đoàn kết và cả nghị lực, ý trí vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc mình. Họ sẽ là lớp thanh niên làm nòng cốt cho việc xây dựng đời sống kinh tế – chính trị ở vùng dân tộc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*