CHUYÊN ĐỀ BỘ MÔN NGỮ VĂN – TỔ XÃ HỘI – TRƯỜNG PTDT NỘI TRÚ TỈNH QUẢNG NINH
Trong lời nói hàng ngày cũng như trong các tác phẩm văn chương, các em học sinh thường sử dụng những tập hợp từ cố định để diễn đạt một ý nghĩa nào đó. Đó là khi các em đã vận dụng thành ngữ, điển cố. …Để giúp cho các em học sinh có ý thức vận dụng thành ngữ và điển cố trong giao tiếp, tư duy sáng tạo trong cuộc sống, củng cố và nâng cao hiểu biết về tác dụng biểu đạt của chúng, nhất là trong các văn bản văn chương nghệ thuật, Tổ xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề cấp tổ môn Ngữ văn trong tháng 4/2018 với chuyên đề “DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC BÀI HỌC: THỰC HÀNH VỀ THÀNH NGỮ, ĐIỂN CỐ”.
Thông qua chuyên đề, HS được định hướng phát triển một số năng lực cần thiết cho các em như:
– Năng lực giải quyết vấn đề (Phát hiện vấn đề, đưa ra giải pháp): Phát hiện và lí giải thành ngữ, điển cố;
– Năng lực sáng tạo (Đưa ra những ý tưởng mới mẻ ): Ý tưởng trong khi thực hiện sơ đồ tư duy về bài học, ý tưởng trong trò chơi tìm thành ngữ điển cố;
– Năng lực hợp tác (Phối hợp, tương tác hỗ trợ nhau cùng thực hiện nhiệm vụ để cùng đạt mục tiêu chung (thảo luận nhóm);
– Năng lực giao tiếp tiếng Việt: Sử dụng tiếng Việt một cách phù hợp và hiệu quả trong tình huống giao tiếp trong văn bản. Biết cách sử dụng thành ngữ và điển cố trong những trường hợp cần thiết.
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Đoàn Thị Hà Chung, các em học sinh lớp 11A đã tích cực chuẩn bị nội dung cho tiết học thực hiện chuyên đề. Các nội dung thảo luận, các tình huống thực tiễn, các sơ đồ tư duy, các dạng bài tập đã thể hiện tư duy sáng tạo, sự tương tác tích cực của các em học sinh, các trò chơi đã được các em hưởng ứng tham gia nhiệt tình. Nội dung chính của tiết học chuyên đề gồm có ba phần: Phần lý thuyết , phần thực hành và củng cố.
I. Phần Lí thuyết
GV: Giao việc cho HS thực hiện tại nhà. Chia lớp thành hai nhóm (Nhóm Thành ngữ, nhóm Điển cố ).
Yêu cầu các nhóm nhận xét chéo, GV rút ra kết luận.
1.Thành ngữ
1.1.Khái niệm: Thành ngữ là một loại đơn vị ngôn ngữ có vai trò tổ chức câu ( lời nói ) tương đương với từ và cụm từ tự do ( ngữ), chứ không phải tương đương với câu. Thành ngữ là cụm từ cố định, đã hình thành từ trước, thuộc loại đơn vị có sẵn, chứ không phải sản phẩm nhất thời trong giao tiếp như cụm từ tự do.
1.2.Đặc điểm: Tính hình tượng,Tính hàm súc, Tính biểu cảm
2.Điển cố
2.1.Khái niệm:
Điển cố chính là những sự việc trước đây, hay câu chữ trong sách đời trứơc được dẫn ra và sử dụng lồng ghép vào bài văn vào lời nói để nói về những đều tương tự. Mỗi điển cố như một sự việc tiêu biểu, điển hình mà chỉ cần gợi nhắc đến là đã chứa đựng điều định nói cho nên điển cố có tính ngắn gọn hàm súc chi thâm thuý.
2.2.Đặc điểm: Tính ngắn gọn, tính hàm súc…
II. Phần Thực hành: HS lần lượt thực hiện các bài tập theo 4 cấp độ: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng thấp- Vận dụng cao. Từ đó, HS phát huy được sự hiểu biết về Thành ngữ, điển cố, biết phát huy các năng lực của bản thân.
Bài tập 1: Bài tập nhận biết
Chỉ ra những thành ngữ – điển cố được sử dụng trong đoạn trích Trao duyên(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Bài tập 2: Bài tập thông hiểu
TRÒ CHƠI: Cả lớp chia làm 5 nhóm. Mỗi nhóm cử 2 học sinh. Một học sinh lên bốc thành ngữ hoặc điển cố, sau đó miêu tả lại bằng lời nói, hành động. Học sinh còn lại sẽ lắng nghe và quan sát để có thể đoán được thành ngữ, điển cố đó.
* Lưu ý: HS diễn giải không dùng từ ngữ có trong thành ngữ, điển cố đó.
Bài tập 3: Vận dụng thấp: Đặt câu với mỗi thành ngữ, điển cố sau: Kén cá chọn canh, trứng khôn hơn vịt, tai vách mạch rừng, rán sành ra mỡ, gã Sở Khanh.
Bài tập 4: Vận dụng cao: Viết 1 đoạn văn có sử dụng thành ngữ/điển cố (2 nhóm thực hiện).
HS lên bảng làm bài (1 HS viết đoạn văn có thành ngữ, gạch chân – một HS viết đoạn văn có điển cố – gạch chân)
HS dưới lớp chơi trò chơi Đuổi hình bắt chữ liên quan đến thành ngữ, điển cố
III. Phần Củng cố:
1.Điền các từ còn thiếu để hoàn chỉnh câu sau:
- (1)….. là những (2)…… , được hình thành trong lịch sử và tồn tại dưới dạng sẵn có.
(1): Thành ngữ
(2): Cụm từ cố định
- (1)……….là những sự vật, sự việc trong (2)………, hoặc trong đời sống văn hóa dân gian, được dẫn gợi trong văn chương, sách vở đời sau nhằm thể hiện những nội dung tương ứng.
2. Phân biệt thành ngữ và tục ngữ
Trải qua 45 phút của tiết học, với sự cố gắng nỗ lực của học sinh, sự tận tình của cô giáo, HS đã nắm được những kiến thức cơ bản về thành ngữ – điển cố, có khả năng sử dụng một cách linh hoạt trong tạo lập văn bản hay trong đời sống. Thông qua chuyên đề, HS cũng đã thể hiện được những năng lực quan trọng như năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực giao tiếp trong tiếng Việt.
Một số hình ảnh của Chuyên đề:
[smartslider3 slider=8]
Để lại một phản hồi